GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT HẢI NGOẠI TẠI ÚC ĐẠI LỢI - TÂN TÂY LAN
The Unified Vietnamese Buddhist Congregation of Australia-New Zealand
HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI
PHẦN MỞ ĐẦU
Kế thừa truyền thống phụng sự hòa bình, an lạc của Đạo Phật hơn hai nghìn sáu trăm năm qua, Tăng Ni, Phật Tử Việt Nam tại Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan nguyện thực hiện lý tưởng hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh.
Các Tông phái, Hệ phái Phật giáo Việt Nam đang sinh hoạt tại Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan đồng kết hợp thành một cơ chế để xiển dương đạo pháp, theo tinh thần phụng sự Dân Tộc và Đạo Pháp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan không đặt sự tồn tại của mình trong vị thế cá biệt mà đặt mình trong sự tồn tại của dân tộc và nhân loại.
Thực hiện hạnh nguyện từ bi, lợi tha, lục hòa, toàn thể Tăng Ni, Phật Tử bảo tồn và phát huy Phật Giáo Việt Nam tại Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan.
CHƯƠNG MỘT:
DANH HIỆU - HUY HIỆU - GIÁO KỲ - ĐẠO CA - KHUÔN DẤU
Điều 1: Các Tông phái, Hệ phái, đoàn thể Phật Giáo Việt Nam tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan kết hợp thành một tổ chức lấy danh hiệu là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan, gọi tắt là Giáo Hội, viết tắt là GHPGVNTNHN tại UĐL-TTL, tên Anh ngữ là The Unified Vietnamese Buddhist Congregation of Australia - New Zealand.
Điều 2: Huy hiệu Giáo Hội là hình pháp luân mười hai chi phần trong vòng tròn.
Điều 3: Giáo kỳ Giáo Hội là cờ Phật Giáo quốc tế.
Điều 4: Đạo ca là bài Phật Giáo Việt Nam (nhạc sĩ Lê Cao Phan).
Điều 5: Khuôn dấu Giáo Hội được quy định trong Nội Quy.
CHƯƠNG HAI:
MỤC ĐÍCH - VĂN PHÒNG - THÀNH VIÊN
Điều 6: Mục đích của Giáo Hội là điều hợp các tông phái, hệ phái Phật Giáo Việt Nam tại Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan để hoằng dương chánh pháp, phục vụ dân tộc, nhân loại và chúng sanh.
Điều 7: Văn Phòng Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội đặt tại cơ sở của vị Hội Chủ đương nhiệm.
Điều 8:
- Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, là thường trú nhân hay công dân Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan,
- Các Tự Viện, Phật Học Viện, Tu Viện, Thiền Viện, Chùa, Tịnh Xá, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường ...
- Các đoàn thể Cư Sĩ Phật Tử,
chấp nhận và thực thi Hiến Chương này.
Điều 9: Giáo Hội hổ trợ tinh thần các thành viên trong mọi sinh hoạt hợp đạo pháp và luật pháp, nhưng không chịu trách nhiệm về mọi hành vi phạm pháp.
CHƯƠNG BA:
HỆ THỐNG TỔ CHỨC - ĐIỀU HÀNH - NHIỆM KỲ
Điều 10: Giáo Hội gồm ba cơ cấu: Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn, Hội Đồng Tăng Ni, Hội Đồng Điều Hành.
Điều 11: Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn là chư tôn Hòa Thượng thuộc các truyền thống Phật Giáo đang sinh hoạt trong Giáo Hội.
Điều 12:
a) Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn là chư tôn đức Giáo phẩm Hòa Thượng trở lên thuộc các truyền thống Phật Giáo đang hoạt động trong Giáo Hội, do Hội Đồng Tăng Ni suy cử và được cung thỉnh tại Đại Hội Khoáng Đại.
b) Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn giám sát mọi hành hoạt của Giáo Hội, luôn thể hiện nguyên tắc tương kính và ý hòa toàn diện, không ủy thác trách vụ cho cá nhân.
c) Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn đề cử vị Chánh Thư Ký để điều hợp các sinh hoạt của Hội Đồng.
Điều 13: Hội Đồng Tăng Ni là những Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni thành viên Giáo Hội, từ mười lăm (15) tăng lạp trở lên, sinh hoạt thường xuyên với Giáo Hội ít nhất hai nhiệm kỳ.
Điều 14:
- Hội Chủ
- Phó Hội Chủ Nội Vụ
- Phó Hội Chủ Ngoại Vụ
- Tổng Thư Ký
- Phó Tổng Thư Ký
- Chánh Thủ Quỹ
- Phó Thủ Quỹ
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự
- Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Tăng Sự
- Vụ Trưởng Vụ Ni Bộ (trực thuộc Tổng Vụ Tăng Sự)
- Vụ Phó Vụ Ni Bộ
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Hoằng Pháp - Giáo Dục
- Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Hoằng Pháp - Giáo Dục
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Nghi Lễ - Văn Hóa
- Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Nghi Lễ - Văn Hóa
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Cư Sỹ - Thanh Niên
- Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Cư Sỹ - Thanh Niên
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội - Tài Chánh
- Tổng Vụ Phó Tổng Vụ Từ Thiện Xã Hội – Tài Chánh
Điều 15:
a) Hội Chủ, hai (2) Phó Hội Chủ do Hội Đồng Tăng Ni bầu cử tại Đại Hội Khoáng Đại.
b) Các chức vụ khác do Đại Hội Khoáng Đại bầu cử, nếu cần do Hội Chủ mời thông qua Đại Hội.
c) Tổng Thư Ký, Chánh Thủ Quỹ và các Tổng Vụ Trưởng do Tăng Ni đảm nhiệm.
d) Các chức vụ khác do Tăng Ni hay Cư sĩ đảm nhiệm.
Điều 16: Ban Thường Trực của Hội Đồng Điều Hành gồm:
- Hội Chủ
- Các Phó Hội Chủ
- Tổng Thư Ký
- Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự
- Chánh Thủ Quỹ
Điều 17:
a) Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn do Hội Đồng Tăng Ni cung thỉnh tại Đại Hội Khoáng Đại. Thành Viên Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn không kiêm nhiệm chức vụ thuộc các Hội Đồng khác.
b) Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn nhiệm kỳ bốn (4) năm.
c) Hội Đồng Điều Hành: Nhiệm kỳ bốn (4) năm.
d) Hội Đồng Tăng Ni được thiết lập tại mỗi kỳ Đại Hội Khoáng Đại, giữa các Thành viên Tăng Ni hợp thức hiện diện, và giải nhiệm khi Đại Hội bế mạc.
CHƯƠNG BỐN:
NHIỆM VỤ - QUYỀN HẠN
Điều 18: Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn
- Thành lập và duy trì tư cách pháp nhân của Giáo Hội.
- Ban hành những quyết nghị ấn định đường hướng hoạt động của Giáo Hội.
- Giám sát, bảo vệ tinh thần thực thi Hiến Chương.
- Duyệt xét, tấn phong, chế tài hàng giáo phẩm Tăng Ni trong Giáo Hội.
- Chuẩn y kết quả các Đại hội của Giáo Hội.
- Chứng minh các kỳ Đại hội, Đại lễ, Đại Giới Đàn.
Điều 19: Hội Đồng Tăng Ni có nhiệm vụ suy cử các Thành Viên Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn tại mỗi kỳ Đại Hội Khoáng Đại của Giáo Hội.
Điều 20: Hội Đồng Điều Hành
- Thi hành Hiến Chương và Nội Quy Giáo Hội.
- Đôn đốc, khuyến khích, nâng đỡ Tăng Ni, Phật tử hành đạo, tu tập .
- Thực thi các Quyết Nghị của các Đại Hội Giáo Hội.
- Ban Thông Bạch vào các dịp đại lễ Phật Đản, Vu Lan, Tết Nguyên Đán v.v..
- Hội Chủ, Tổng Thư Ký và Chánh Thủ Quỹ thay mặt Hội Đồng Điều Hành duy trì chủ quyền, tài khoản, tài sản của Giáo Hội.
CHƯƠNG NĂM:
CHẾ TÀI - GIẢI NHIỆM - ĐIỀN KHUYẾT
Điều 21:
a) Nếu là thành viên Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn hay Hội Chủ, Phó Hội Chủ, thì sự chế tài chỉ thực hiện khi ít nhất có ba (3) Thành Viên Hội Đồng gởi thư đề nghị lên Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn. Chánh Thư Ký của Hội Đồng này, phải triệu tập một phiên họp Hội Đồng trong vòng một tháng để giải quyết.
b) Nếu là Thành Viên Hội Đồng Điều Hành, thì sự chế tài chỉ thực hiện khi có ít nhất năm (5) thành viên Hội Đồng gởi thư đề nghị lên Hội Đồng Điều Hành. Ban Thường Trực xét thấy nếu cần thiết, ủy nhiệm Tổng Thư Ký triệu tập một phiên họp trong vòng một tháng để giải quyết.
c) Thành viên Tăng Ni nếu vướng phải pháp luật, hay vi phạm giới luật, khi nhận được sự yêu cầu, Ban Thường Trực Hội Đồng Điều Hành tùy nghi thực hiện hình thức chế tài.
d) Thành viên Cơ sở hay thành viên Đoàn thể có thể bị Hội Đồng Điều Hành thực hiện hình thức chế tài thích hợp, nếu có sự yêu cầu chính đáng.
Điều 22: Trường hợp thành viên Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn, Hội Đồng Điều Hành khuyết tịch hoặc bị giải nhiệm thì Hội Đồng liên hệ điền khuyết vị khác trong vòng sáu (6) tháng.
CHƯƠNG SÁU:
TÀI SẢN
Điều 23: Tài sản của Giáo Hội
- Động sản và bất động sản hiến cúng cho Giáo Hội.
- Động sản và bất động sản do Giáo Hội tự tạo.
Điều 24: Các thành viên của Giáo Hội có tư cách pháp lý riêng, độc lập về hành chánh và tài chánh.
CHƯƠNG BẢY:
ĐẠI HỘI BẤT THƯỜNG - HỘI NGHỊ - ĐẠI HỘI KHOÁNG ĐẠI
Điều 25: Đại Hội Bất Thường có thể được Hội Chủ triệu tập, trong vòng một tháng, nếu nhận được thư yêu cầu ít nhất phân nửa số thành viên Hội Đồng Điều Hành hay phân nửa số thành viên Cơ Sở Tự Viện.
Điều 26: Chánh Thư Ký đạt thư mời Thành Viên Hôi Đồng Chứng Minh-Cố Vấn tham dự hội nghị định kỳ mỗi năm hai (2) lần vào dịp Phật sự Giáo Hội
Điều 27: Tổng Thư Ký đạt thư mời thành viên Hội Đồng Điều Hành và Trú Trì các cơ sở là thành viên Giáo Hội tham dự Hội Nghị Định Kỳ mỗi năm hai (2) lần vào dịp Phật sự Giáo Hội.
Điều 28: : Đại Hội Khoáng Đại do Hội Chủ triệu tập bốn (4) năm một lần;
- Kiểm điểm Phật sự trong nhiệm kỳ qua.
- Đặt kế hoạch và chương trình hoạt động cho nhiệm kỳ tới.
- Thỉnh cử và công cử Hội Đồng Điều Hành sau khi Hội Đồng tuyên bố mãn nhiệm.
- Hội Đồng Điều Hành được quyền triệu tập Đại Hội Khoáng Đại quá bán nhiệm kỳ nếu có quá bán số thành viên yêu cầu và được sự chấp thuận hai phần ba Thành viên Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn.
Điều 29: Thành phần tham dự Đại Hội Khoáng Đại gồm có:
- Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn.
- Hội Đồng Điều Hành.
- Toàn thể thành viên Tăng Ni trong Giáo Hội.
- Đại biểu các thành viên Cơ sở và Đoàn thể.
Điều 30: Thành phần tham dự Đại Hội Bất Thường gồm có:
- Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn.
- Hội Đồng Điều Hành.
- Toàn thể thành viên Tăng Ni trong Giáo Hội.
CHƯƠNG TÁM:
NỘI QUY - HIẾN CHƯƠNG - TU CHÍNH - BAN HÀNH
Điều 31: Nội Quy Giáo Hội do Hội Đồng Điều Hành soạn thảo, theo tinh thần Hiến Chương hiện hành; được cập nhật khi có nhu cầu, và thông qua tại Đại Hội Khoáng Đại hay các Hội Nghị định kỳ do Hội Chủ ban hành.
Điều 32: Thành viên Giáo Hội có thể đề nghị tu chính Hiến Chương nhân các kỳ Đại Hội Khoáng Đại.
Điều 33: Các đề nghị tu chính Hiến Chương, phải gởi đến Ban Tu Chính Hiến Chương hai [2] tháng trước kỳ Đại Hội, phải được hai phần ba tổng số Đại Biểu Đại Hội thông qua.
Điều 34: : Hội Đồng Chứng Minh-Cố Vấn duyệt y, ban hành Hiến Chương đã tu chính trong vòng một tháng sau Đại Hội kết thúc.
Điều 35: Bản Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi - Tân Tây Lan có tám (8) chương, ba mươi lăm (35) điều, được tu chính tại Đại Hội Khoáng Đại kỳ VII của Giáo Hội từ ngày 4-5 tháng 6 năm 2022, được ban hành và có hiệu lực từ ngày ký.
Phật Lịch 2566, Sydney ngày 20 tháng 6 năm 2022.
Nay Ban Hành
HỘI ĐỒNG CHỨNG MINH-CỐ VẤN