Đại Lễ Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư
(Về Nguồn 4) tổ chức tại Tu Viện Viện Đức
từ ngày 16 đến ngày 19-09-2010
DIỄN VĂN KHAI MẠC
(của HT. TRƯỞNG BAN ĐIỀU HỢP TĂNG NI VIỆT NAM HẢI NGOẠI)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Trưởng lão cùng chư tôn thiền đức Tăng Ni từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư – Ngày Về Nguồn lần thứ IV hôm nay,
Kính bạch chư tôn thiền đức Tăng Ni vì phật sự tại địa phương và trở ngại không gian đã không thể quang lâm chứng minh, tham dự,
Kính thưa liệt quý vị,
Trong văn Cảnh Sách của Thiền Sư có một đoạn cảm động, nói về kẻ xuất trần thượng sĩ như sau: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu…” Có nghĩa rằng, người xuất gia khi cất bước lên đường là hướng về một phương trời siêu tuyệt, với tâm nguyện và hình dung thoát tục, nhằm phát huy và làm rạng rỡ hạt giống của giòng Thánh, nhiếp hóa và hàng phục ma quân để trên có thể đền đáp bốn ân nặng, dưới có thể cứu độ ba đường khổ.
Tất cả chúng ta ở đây, và cả chư tôn đức vắng mặt từ khắp nơi đang hướng lòng về đạo tràng này, từ các bậc Trưởng lão và chư vị Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, đã trải bao giai đoạn hưng vong của Phật giáo, cho đến hàng Tăng Ni xuất gia hành đạo sau năm 1975 trong nước hay ngoài nước, chí đến những vị mới xuất gia sau này nơi xứ người, đều cùng noi theo bước chân của Lịch Đại Tổ Sư, có chung một tâm nguyện và hình thức cao đẹp như thế.
Khởi phát tâm chí vô thượng và khoác mặc pháp phục xuất trần, chính là tự nguyện đặt mình vào lộ trình giải thoát giác ngộ, đảm nhận vai trò của những trưởng tử Như Lai, đứng trên tất cả để từ đó, mang lại lợi ích an vui cho tất cả.
Trong vai trò ấy, hàng xuất gia giữ gìn thọ mạng của Phật Pháp bằng Giới, trang sức thân tâm bằng Định, trau dồi sự nghiệp tự giác giác tha bằng Tuệ. Đó là phương cách tối diệu để trang nghiêm bản thể Tăng-già, không còn con đường nào khác. Nhưng trên con đường tiến thủ đạo nghiệp, không thể không nói đến trách nhiệm “chấn nhiếp ma quân”, nghĩa là dùng trí tuệ và giới đức của mình để hàng phục và vượt qua những ác kiến và chướng ngại. Chúng ta không nêu đặt sự chống phá của ma quân ác đảng như là những đối tượng hay chướng nạn để tranh chấp hay đối kích; nhưng theo ý nghĩa của đà tiến thủ, có thể “lấy ma quân làm bạn đạo”, tức là chính từ nơi sự chống đối phá hoại của ma quân mà quay về với chính mình, củng cố và phát huy nội lực của giòng Thánh. Xét như vậy, trước hết vẫn nên cảm ơn những “bạn đạo” vô tình hoặc cố ý phỉ báng và ngăn trở đạo nghiệp của chúng ta; thứ nữa, hãy cùng khích lệ và sách tấn nhau rằng, hãy hiên ngang dấn bước trên con đường cao đẹp ngời sáng của hàng thượng sĩ mà Thầy-Tổ đã vạch lối kinh qua; tất cả mọi chướng nạn và phá hoại của ma quân đều sẽ rạp mình dưới bước chân dũng lực của chúng ta.
Kính thưa quý liệt vị,
Sự quang lâm của chư tôn thiền đức trong Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư – Ngày Về Nguồn lần thứ IV hôm nay, là biểu hiện hết sức quan trọng và hết sức cảm động đối với việc gầy dựng và củng cố hàng ngũ Tăng-già Việt Nam tại hải ngoại. Ba lần tổ chức trước đây, chúng ta đều bị quấy phá và phỉ báng một cách nặng nề bởi ma quân và ác đảng, nhưng chư tôn đức vẫn điềm nhiên tự tại, thân hành về đây để có Ngày Về Nguồn lần thứ IV này. Số người tham dự có ít đi so với những năm trước là do địa lý cách trở và thủ tục nhập cảnh khó khăn, nhưng phải nói là tinh thần và ý chí của chư tôn liệt vị không hề thay đổi hay giảm thiểu, trái lại, còn quang minh, kiên cường và quyết liệt hơn bao giờ. Đây chính là phần thưởng, là niềm vui lớn của Ban Tổ Chức, và cũng là niềm hoan hỷ vô biên của bản thân chúng tôi, trong vai trò Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại.
Nhưng, trước sự suy trầm khủng hoảng của Phật giáo Việt Nam trong nước, ngoài nước, nỗi ưu tư hàng đầu của Tăng Ni chúng ta là gì? Điều gì cần phải làm để điều chỉnh hiện trạng suy đồi, phân rã của Phật giáo hải ngoại? – Chúng tôi thiết nghĩ, như bao nhiêu lần đã trình bày trước đây: tất cả chúng ta đều phải đồng tâm ngồi lại với nhau, trong niềm tương thân tương kính, ôn lại và khuyến tấn nhau về bản nguyện của mình, trao đổi về kinh nghiệm hoằng pháp, hành đạo; được như vậy chính là lót những viên gạch vững chắc cho công cuộc hưng long Chánh Pháp, trang nghiêm bản thể Tăng-già. Khi những cá nhân tăng sĩ, như những giọt nước xa lìa biển lớn mênh mông của Tăng đoàn để tự cách ly nơi những trú xứ dị biệt, sẽ không có gì để nói và làm một cách thiết thực cho Phật Pháp mai sau. Hãy hòa hợp ngồi lại bên nhau trước đã. Bởi vì, Tăng là một cộng đồng xuất gia hòa hợp thanh tịnh. Tăng Ni chúng ta cùng một thể tính, không thể tách rời.
Trong ước nguyện về một cộng đồng Tăng Ni Việt Nam thanh tịnh hòa hợp tại hải ngoại, chúng tôi xin thành kính đảnh lễ mười phương thường trụ Tăng Bảo; và cũng xin bày tỏ niềm cảm kích vô ngần đối với sự quang lâm quý giá của toàn thể chư tôn thiền đức hiện tiền.
Nam mô Lịch Đại Tổ Sư Bồ tát Ma-ha-tát tác đại chứng minh.
Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại
Sa Môn Thích Minh Tâm
ĐẠO TỪ
CỦA TRƯỞNG LÃO TỲ KHEO ĐẠI DIỆN TĂNG ĐOÀN
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Trưởng lão cùng chư tôn thiền đức Tăng Ni tham dự Lễ Khai Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ IV hôm nay,
Kính thưa quý thiện nam tín nữ tháp tùng các phái đoàn Tăng Ni và tự viện Phật giáo đến đây để hộ trì, thính pháp và tham dự Lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư,
Kính thưa liệt quý vị,
Vừa rồi, Hòa thượng được Tăng sai đã tuyên đọc Bảy Pháp Bất Thối do Phật chế định. Bảy pháp này được xem là giềng mối để bắt đầu cho các sinh hoạt Tăng đoàn. Nhờ tuân thủ Bảy Pháp Bất Thối, các hội chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni từ 2500 năm qua, đã giữ được sự thanh tịnh hòa hợp trong các sinh hoạt và cũng chính nhờ đó mà Phật Pháp được vững bền, hưng thịnh.
Trong bảy pháp ấy, pháp nào cũng thật quan trọng, nhưng tôi đặc biệt lưu tâm 3 pháp liên quan trực tiếp đến sinh hoạt của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại thông qua Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư:
Pháp thứ nhất, “Các Tỷ-kheo cần phải thường xuyên tụ họp, và tụ họp đông đảo để giảng luận Chánh pháp, khiến cho có sự hòa hợp trên dưới của các Tỷ-kheo.” Đây là lý do mà đến đâu chúng tôi vẫn thường kêu gọi chư tôn thiền đức cố gắng tổ chức lễ Bố-tát hàng tháng tại các địa phương; và đây cũng là lý do mà mỗi năm chúng ta tổ chức Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư. Ở hải ngoại, Tăng Ni Việt Nam chúng ta sống rời rạc, trải rộng trên địa bàn thế giới, khó có cơ hội để “thường xuyên tụ họp, và tụ họp đông đảo để giảng luận Chánh Pháp” như pháp thứ nhất của Bảy Pháp Bất Thối huấn dụ. Cho nên, cần tổ chức Bố-tát, cần tổ chức Lễ Hiệp Kỵ chung cho Tăng đoàn, cần tổ chức các khóa tu nghiệp cho Tăng Ni, hay khóa tu học Phật Pháp dành cho Phật tử mà nhờ đó chư tôn đức Tăng Ni có nhân duyên tụ họp đông đảo. Ngày Về Nguồn do chúng ta tổ chức là phụng mệnh Đức Bổn Sư nơi pháp thứ nhất này: tụ họp, hội thảo, giảng luận Chánh Pháp.
Pháp thứ hai, “Các Tỷ-kheo phải tụ họp trong tinh thần hòa hiệp, giải tán trong tinh thần hòa hiệp, và chấp hành Tăng sự trong tinh thần đoàn kết.” Đây là điểm mà chúng ta đã thực hiện được trong 3 lần tổ chức Ngày Về Nguồn trước, và chắc chắn sẽ thực hiện được trong Ngày Về Nguồn lần thứ IV năm nay. Trong khi pháp thứ nhất kêu gọi chúng ta nên thường tụ hội thì pháp thứ hai, nhắc nhở chúng ta hội họp trong tinh thần hòa hợp, thanh tịnh và đoàn kết. Không tổ chức tụ hội đông đảo, chúng ta sẽ không có cơ hội để biểu hiện sự hòa hợp, đoàn kết và không có cơ hội để trắc nghiệm tinh thần vô ngã của mình trong sinh hoạt Tăng đoàn. Nếu mỗi thành viên Tăng Ni không thực hiện tinh thần vô ngã thì không làm sao có được sự hòa hợp, thanh tịnh. Điểm mấu chốt này, chúng ta cần lưu ý. Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư tạo nhân duyên cho chúng ta thực hiện tinh thần này.
Pháp thứ bảy, “Các Tỷ-kheo sống an trú trên chánh niệm tạo thành một cộng đồng sinh động, khiến cho các bạn đồng tu từ những phương khác nếu chưa đến thì muốn đến, đã đến thì muốn cùng sống và cùng tu tập trong sự an lạc.” Một cộng đồng sinh động là một cộng đồng biết thực hiện tinh thần vô ngã; nhờ vô ngã mà có được đoàn kết hòa hợp; nhờ đoàn kết hòa hợp mà Tăng đoàn được trang nghiêm; Tăng đoàn trang nghiêm thì các bạn đồng tu từ những phương khác mới tụ về, cùng sống chung và tu tập trong an lạc. Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư do chúng ta tổ chức chính là nỗ lực của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại nhằm thực hiện lời dạy cốt thiết này của Đức Thế Tôn.
Kính thưa quý liệt vị,
Tôi nhắc đến 3 trong Bảy Pháp Bất Thối ở trên với lòng chân thành tán dương chư tôn thiền đức đứng ra vận động, tổ chức và tham dự Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư mà bản thân tôi được góp mặt từ những ngày đầu phôi thai.
Từ những cảm xúc chân thành của tăng nhân đi gần hết một đời trong nẻo đạo huyền vi, dưới sự dẫn dắt của Đức Thế Tôn kỳ vĩ và chư lịch đại tổ sư, tôi xin thay mặt chư tôn trưởng lão hiện diện, cảm tạ những tấm lòng và tâm nguyện cao đẹp của quí liệt vị. Riêng đối với chư tôn đức Tăng Ni các thế hệ đi sau, tôi xin có một lời chân tình: quý vị không cần tìm kiếm ở đâu xa, chính ngay nơi Bảy Pháp Bất Thối này, quý vị có thể nhìn rõ con đường và trách nhiệm của mình đối với sự hưng thịnh của Tăng đoàn, của Chánh Pháp.
Nam mô Thập phương Thường Trú Tam Bảo tác đại chứng minh
Sa Môn Thích Thắng Hoan
Thư chúc mừng
Lễ Hiệp Kỵ chư vị Tổ Sư lần thứ 4 tại Đức quốc, Âu Châu
Nam Úc ngày 4 tháng 9 năm 2010
Kinh gởi : Hoà Thượng Thích Minh Tâm
Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu
Chánh Văn Phòng Điều Hợp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu
Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại.
Đồng kính đến: Chư Tôn Giáo Phẩm, Chư Trưởng Lão, Chư Hoà Thượng, Chư Thượng Toạ, Đại Đức, Tăng, Ni trong Đạo tràng Pháp hội, Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, lần thứ 4, đang khai hội tại Đức Quốc, Âu Châu, từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 9 năm 2010
Kính bạch Hòa Thượng
Kính bạch chư Tôn Đức
Ngày Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư hay Ngày Về Nguồn, đó là những ngày Tăng, Ni Hải Ngoại thực hiện hai, trong “bảy Pháp bất thối” mà Đức Thế Tôn đã dạy :
“ Các Tỷ-kheo cần phải thường xuyên tụ họp, và tụ họp đông đảo để giảng luận Chánh pháp, khiến cho có sự hoà hợp trên dưới của các Tỷ-kheo.
Các Tỷ-kheo phải tụ họp trong tinh thần hoà hiệp, giải tán trong tinh thần hoà hiệp, và chấp hành Tăng sự trong tinh thần đoàn kết….” và PHẢI BIẾT TÔN TRỌNG LẪN NHAU. Đó là những ngày Tăng, Ni Hải Ngoại tổ chức“Về Nguồn”, tức là quyết duy trì Bản Thể của Tăng Già: “ Thanh Tịnh và Hoà Hợp” để hoằng dương Chánh Pháp, làm lợi lạc quần sanh. Cho nên các thế lực vô minh, ma vương ngoại đạo rất lo sợ và ra sức đánh phá. Nhưng là Trưởng Tử của Như Lai, mặc dầu quý Ngài đã bị nhiều oan ức nhưng không cần biện bạch, không quản ngại gian nguy, đã “Lấy hoạn nạn làm giải thoát, lấy ma quân làm bạn đạo, lấy khó khăn làm thích thú, và lấy người chống đối làm nơi giao du…Giám chấp thuận trở ngại thì thông suốt… Đức Thế Tôn thực hiện huệ giác bồ đề ngay trong sự trở ngại, như Ương Quật hành hung, Đề Bà quấy phá, mà Ngài giáo hoá cho thành đạo cả. Như vậy há không phải sự chống đối lại là sự thuận lợi và sự phá hoại là sự tác thành cho ta đó ư !”.
Quý Ngài đã liễu tri và thực hành được những lời Phật, Tổ dạy, cho nên đã tổ chức Ngày Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư ( Về Nguồn ) Tại Canada được 1 lần, và tại Hoa Kỳ được 2 lần, đã được Chư Tôn Thiền Đức khắp nơi hưởng ứng, ngưỡng vọng về tham dự rất đông, với khí thế thực hành hạnh ô uý đúng Chánh Pháp, không sợ sệt trước ma quân, không khiếp nhược trước cường quyền, không tham cầu danh lợi để phải làm tay sai cho ngoại đạo lợi dụng, mà chụp mũ, đánh phá, vu khống, mạ lỵ đồng môn. Quý Ngài vẫn mãi xứng đáng là Tỷ kheo thực hiện hạnh khất sĩ, phá ác và bố ma, đã hiểu rõ luật nhân quả, không làm những điều trái đạo, nên những món quà “ chụp mũ, vu khống, mạ lỵ…” phi nghĩa ấy, quý Ngài không nhận, thì tin chắc rằng các món quà ấy sẽ trả lại cho người mang tặng.
Quý Ngài đã bảo vệ, duy trì và phát triển GHPGVNTN ra cùng khắp năm châu, đã sáng suốt không làm theo sự sai sử của ma vương để cứu Giáo Hội không bị tiêu diệt, nhưng vẫn luôn tịnh tâm, “ lấy ân báo oán ”, “ lây tình thương để xoá bỏ hận thù ”, “ lấy pháp yết ma và lục hoà để hành Phật sự ” với đầy đủ Đạo lực. Nên sẽ được Chư Phật, Chư Bồ Tát, Chư vị Long Thiên Hộ Pháp, Liệt vị Tổ sư và Hồn thiêng sông núi gia hộ, chân lý vẫn luôn sáng ngời và sống mãi với thời gian, để giáo hoá những người “ nhất xiễn đề ” ( không tin Tam bảo ) biết quy hướng về với Tam bảo, mà thoát kiếp khổ đau. Tin tưởng Kỳ Hiệp kỵ lần thứ 4 nầy được tổ chức tại Đức quốc, Âu Châu, sẽ thành công và gặt hái được nhiều kết quả mỹ mãn.
Tôi cũng đã nhiều lần muốn về tham dự, để cùng Chư Tôn Đức Tự Tứ và tưởng nhớ đến chư Liệt vị Tổ sư, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép, năm nay Tôi và Chư Tôn đức trong Ban Điều Hành của GHPGVNTNHN Tại UĐL - TTL cũng đã mua vé máy bay để về Châu Âu cùng phó hội, nhưng bệnh duyên đã cản trở.
Rất tiếc là không cùng với Chư Tôn Đức để đi phó hội trong đợt nầy được, nhưng Tôi lúc nào cũng hướng về Ngày Hiệp Kỵ Chư Liệt Vị Tổ Sư, dù bất cứ được tổ chức ở nơi nào. Lúc nào Tôi cũng sát cánh với quý Ngài và tin tưởng ở sự Thanh Tịnh, Hoà Hợp của Quý Ngài, sẽ lèo lái con thuyền Chánh Pháp vượt qua mọi chướng nạn, phục vụ được đa số chúng sanh.
Chúc Quý Ngài luôn An lạc và Phật sự viên thành, chúc Ngày Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư kỳ 4 thành công viên mãn.
Nay kính
Hội Chủ GHPGVNTNHN Tại UĐL TTL
Sa môn Thích Như Huệ
Sa môn Thích Như Huệ
DIỄN VĂN BẾ MẠC NGÀY VỀ NGUỒN LẦN THỨ IV
19 tháng 9 năm 2010
TẠI CHÙA VIÊN ĐỨC, ĐỨC QUỐC
(của Hòa Thượng TRƯỞNG BAN TỔ CHỨC NGÀY VỀ NGUỒN IV)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Trưởng lão cùng chư tôn thiền đức Tăng Ni tham dự Lễ Bế Mạc Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ IV hôm nay,
Kính thưa liệt quý vị,
Trong những ngày qua, phụng hành di giáo của Đức Thế Tôn, hội chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, cùng chư vị tùng sự Thức-xoa ma-na, Sa di, Sa di Ni, đã vân tập trong tinh thần tương kính tương thuận, và hội họp đúng nguyên tắc yết-ma của Tăng đoàn.
Trên nền tảng của Bảy Pháp Bất Thối, hội chúng đã trải qua các cuộc hội thảo hữu ích, lắng nghe và học hỏi về hành trạng của chư Tổ, trao đổi nhiều phật sự, rút tỉa những kinh nghiệm hành đạo từ những trụ xứ và quốc độ khác nhau, đồng thuận một số nguyên tắc cho sinh hoạt Tăng đoàn, và thông qua những quyết định quan trọng cho Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư lần thứ V vào năm tới.
Đây không phải là những thành tựu lớn, cũng không phải là thành công cụ thể nào đối với nền Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại. Nhưng bên dưới các sinh hoạt vừa nêu, là mối đồng cảm tương lân giữa những người cùng chiếc áo hoại sắc, là sự thân thiết đạo vị của tình cốt nhục Linh Sơn. Thầy-trò, huynh-đệ, tỷ-muội chúng ta, lìa bỏ gia đình thân thích từ lâu, hiến mình trong chốn đạo đầy những gian lao thử thách, dấn thân hoằng pháp giữa cuộc thế loạn động nhiễu nhương; rời làng nước, xa chùa xưa, độc hành độc cư nơi các đạo tràng riêng biệt xa cách; mỗi năm có nhân duyên tương ngộ vài ngày với đồng đạo khắp xứ, làm sao không khỏi nhỏ lệ mừng vui, trân quí.
Giờ này còn có nhau trong lễ Bế Mạc và lễ Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư, lòng không khỏi thoáng những bồi hồi lưu luyến. Chúng ta sẽ tự hỏi, hoặc hỏi nhau, sẽ mang theo được gì khi rời khỏi trụ xứ này để về với bổn tự nơi những quốc gia chia cách? Có lẽ không có gì cao kỳ vĩ đại để ghi chép, báo cáo, hoặc trương lên rầm rộ trên những trang lưới hay diễn đàn báo chí. Nhưng thâm tình pháp lữ mà chúng ta trao tặng nhau, gắn kết với nhau, dù trong thời gian ngắn ngủi của những ngày qua, chính là những gì còn lưu lại trong tâm khảm. Gần gũi với bạn lành, như đi trong sương mù, không ướt áo lập tức, chỉ dần dần thấm đậm, khó quên.
Với tình pháp lữ ấy, xin nguyện đời này còn có Ngày Về Nguồn nào được tổ chức, sẽ còn tương ngộ cùng chư tôn thiền đức; và cũng xin nguyện trăm kiếp ngàn đời về sau, dù sinh ra nơi nào, cũng làm bạn đạo với nhau để tiếp tục sứ mệnh hoằng dương Chánh Pháp, ngõ hầu báo đền ân đức chư Phật, chư Tổ trong muôn một.
Nam mô Thành Tựu Trang Nghiêm Công Đức Phật.
Sa Môn Thích Như Điển
VỀ NGUỒN
TRÊN THẢO NGUYÊN RAVENSBURG, ĐỨC QUỐC
Tâm Tĩnh Lặng tường thuật
Cũng như ba lần trước (năm 2007 tại Chùa Pháp Vân, Toronto, Canada; năm 2008 tại Chùa Bát Nhã, Santa Ana, California, Hoa Kỳ; năm 2009 tại Tu viện An Lạc, Ventura, California, Hoa Kỳ), Ngày Về Nguồn lại được luân lưu và năm 2010 này được tổ chức ba ngày 17, 18 và 19 tháng 9 tại Tu viện Viên Đức, Ravensburg, Đức quốc.
Ngôi làng nhỏ bé, trầm tĩnh, hiền hòa Ravensburg hôm nay bỗng nhiên bừng hẳn sức sống. Dọc hai bên đường, lê xanh, táo hồng, tulip nhiều màu tung tăng vui đùa dưới gió thu như tấu khúc khải hoàn chào đón 120 chư tôn đức Tăng Ni và 500 Phật tử từ các nước lân cận và bản địa về thảo nguyên Ravensburg để tham dự “Ngày Về Nguồn - Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư”. Thật là một thắng duyên hy hữu.
Hòa thượng Thích Như Điển - Viện chủ Tu viện Viên Đức (Ravensburg) và Chùa Viên Giác (Hannover), Đức quốc, trong lời chào mừng và tuyên bố lý do đã nói lên ý nghĩa của Ngày Về Nguồn như sau:
"Thiết lễ Hiệp kỵ, tri niệm, báo ân chư Phật, chư Tổ và tạo nhân duyên tụ hội của Tăng đoàn để nối kết thân tình pháp lữ, trao đổi các phật sự và kinh nghiệm tăng đoàn thành đạo nơi xứ người.
Tăng đoàn như biển lớn thanh tịnh, như ruộng phước trang nghiêm, trên có thể nối bước chư Phật, chư Tổ trong sự nghiệp giải thoát giác ngộ, dưới có thể hoằng truyền Phật Pháp, phước lợi nhân thiên. Sự vân tập của chư tôn đức thiền đức Tăng Ni nơi đạo tràng này chính là hình ảnh cao đẹp, ngời sáng.”
Đúng thế! Tăng đoàn là một hình ảnh đẹp của những đệ tử thay thế Đức Thế Tôn nối truyền ngọn đèn chánh pháp ở thế gian. Sự tồn tại của tăng đoàn là sự tồn tại của chánh pháp. Sự gặp gỡ hòa hợp và phát triển của tăng đoàn là mạch nước ngầm ngấm sâu vào lòng đất để nuôi sống vạn vật cỏ cây. Đó cũng là ý nghĩa mà Hòa Thượng Như Huệ - Hội Chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, đã gởi gắm trong điện thư gởi đến Tăng đoàn; Hòa Thượng Tánh Thiệt, đại diện Tăng sai, tuyên đọc Bảy Pháp Bất Thối, và Hòa Thượng Thắng Hoan, cũng đã nêu lên trong lễ khai mạc: “Các vị không cần tìm kiếm ở đâu xa, chính ngay nơi Bảy Pháp Bất Thối này, quý vị có thể nhìn rõ con đường và trách nhiệm của mình đối với sự hưng thịnh của tăng đoàn”. Hòa thượng Trí Chơn cũng đồng một tâm hướng từ Mỹ quốc về đại hội: “Vô cùng biết ơn Hòa Thuợng Phương trượng đã có lòng chiếu cố đến Lão bịnh Tỳ kheo này. Thư Cung Thỉnh của Hòa Thuợng đã nói lên tấm lòng tôn kính và hòa hợp bản thể của Tăng già. Tinh thần hòa hợp và thanh tịnh chính là sức mạnh của Tăng già mà suốt dòng lịch sử Phật pháp gần 3000 năm qua đến giờ Chánh pháp vẫn tồn tại và ngày càng quang hưng”.
Đại lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu - Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới cũng đã gởi điện thư chia vui: “Tại nơi đâu có đại-tăng câu hội, chung lo Phật sự và truy niệm công ơn các bậc Tiền bối, chúng tôi đều hết sức vui mừng.”
Theo lý duyên khởi Phật giáo, cá nhân và xã hội tương duyên thành một khối nhất thể. Cá nhân hoàn thiện thì xã hội sẽ được cải thiện một cách tự nhiên. Đây là sự đóng góp tích cực nhất của Tăng đoàn Phật giáo đối với xã hội. Hòa hợp là sự chia sẻ hòa đồng với mọi người. Tất cả tổ chức an cư, kiết hạ, bố tát, tu học hay Lễ Hiệp Kỵ - Ngày Về Nguồn đều thể hiện tính hòa hợp trong tổ chức. Thanh tịnh là sự trong sạch thuần khiết của tâm hồn, đưa đến tuệ giác, giải thoát tối hậu. Như vị mặn của biển cả, cũng vậy, vị giải thoát sẽ thẩm thấu khắp thành viên Tăng già. Như vô số kho tàng được cất chứa trong biển, cũng vậy, giáo pháp vi diệu được tìm thấy trong Tăng già.
Để hỗ trợ, xây đắp và phát huy Tăng đoàn hải ngoại hay con thuyền Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thông qua Văn Phòng Điều Hợp Liên Châu (Úc Châu, Mỹ Châu [Hoa Kỳ và Canada] và Âu Châu) ngày càng vững mạnh trong hàng Tăng bảo, Ban Tổ Chức đã sắp xếp có hai buổi khoáng đại (thảo luận).
Trong buổi khoáng đại 1 vào chiều thứ Sáu ngày 17 tháng 9 (2:30g chiều đến 6g tối), dưới sự chủ tọa của Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, thuyết trình viên là Hòa Thượng Thích Minh Tâm - Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại, đã trình bày về Tình hình Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong và ngoài nước hiện nay. Ngài nói rằng dù ai nói gì thì nói, nếu là con đường chính nghĩa thì chúng ta cứ đi. Mong rằng chư Tăng Ni rèn thêm ý chí nghị lực, niềm tin để con đường chúng ta đi được thuận duyên “Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vững chắc như kiền ba chân”. Trong Báo Khánh Anh, Bagneux, ngày 12 tháng 9 năm 2010, Hòa thượng Minh Tâm cũng nhấn mạnh rằng: “Sống trong một thế giới dân chủ, tự do, rất cần tiếng nói đối nghịch để làm sáng tỏ vấn đề, để cân bằng những khuynh hướng cực đoan trong một xã hội dân chủ đa nguyên. Nhưng đó là những đối nghịch có tình có lý, biết tôn trọng có ta, có người, cốt yếu nhằm tìm ra một đồng thuận để xây dựng một xã hội dân chủ hài hòa, bền vững.”
Hòa Thượng Thông Hải cảm thán rằng: “Nhìn lại sự hy sinh của chư tôn Giáo Phẩm chúng con rất cảm động và thán phục. Các ngài đã không ngại tất cả những gì khó khăn gian nan để có một ngày họp mặt Về Nguồn lần thứ IV đông đủ như hôm nay”.
Đại đức Viên Giác (nhạc sĩ Phi Long) bộc bạch rằng: “Chúng con là tăng ni trẻ từ lâu chúng con cũng có hợp tác phụ việc với Chư tôn đức, nhưng chúng con chưa thật sự thấu hiểu lắm các Phật sự của quý ngài. Hôm nay, chúng con như cảm được tâm nguyện cao cả và sự hy sinh vô bờ bến của quý ngài. Chúng con thành tâm phát nguyện sẽ cùng với quý Ôn sẵn sàng đưa vai gánh vác sứ mạng ‘hoằng pháp vi gia vụ’ tại hải ngoại này.”
Trong buổi khoáng đại 2 vào tối thứ Sáu ngày 17 tháng 9 năm 2010 (7:30-9:30g tối), dưới sự chủ tọa của Hòa Thượng Thắng Hoan, Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa Thượng Như Điển, Hòa Thượng Nguyên Siêu, Thượng Tọa Bổn Đạt, thuyết trình viên là Hòa thượng Thích Minh Tâm đã bàn thào về Nguyên do thành lập Văn Phòng Điều Hợp Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu và chuẩn bị tổ chức Ngày Về Nguồn lần thứ V. Ngài nói rằng bốn Giáo hội ở ba châu lục: Mỹ Châu, Úc Châu, Âu Châu vốn đã có. Giáo chỉ số 9 muốn xóa bỏ nhưng không xóa bỏ đuợc. Nếu nói Chư Tôn đức chống GHPGVNTN (thành lập 1963) là sai. Vì muốn giữ giáo hội nên lập Văn Phòng Điều Hợp GHPGVNTN Liên Châu. Mỗi châu giữ một nhiệm kỳ hai năm. Tổng thư ký của Phật Giáo châu đó cũng là Tổng Thư Ký Văn Phòng Điều Hợp. Khi có việc lớn cần quyết định thì phải họp ba châu và thực hành điều gì cũng trong phạm vi cho phép của bốn giáo hội.
Cũng trong khoáng đại II này, hội chúng đã quyết định Ngày Về Nguồn lần thứ V năm 2011 sẽ được tồ chức tại chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp Quốc do Hòa Thượng Tánh Thiệt trụ trì và GHPGVNTN-Úc Đại Lợi – Tân Tây Lan sẽ đảm nhận Văn Phòng Điều Hợp GHPGVNTN Liên Châu trong nhiệm kỳ tới này.
Hòa Thượng Như Điển kết thúc: “Như vậy, Tổ (linh vị, bình bát) vẫn ở Âu Châu (Pháp, Đức) chứ chưa vượt trùng dương để đến Úc Châu hay Mỹ Châu”.
Đúng như Đại Đức Pháp Quang (Đan Mạch) và Đại Đức Hạnh Giới (Đức Quốc) - hai vị MC (dẫn chương trình) rất chững chạc và tài tình đã nói, như cổ thụ to lớn, tàng lá sum xuê tươi tốt là nhờ nhựa sống mãnh liệt thanh tịnh hoà hợp giúp cây tiếp tục tồn tại, bằng cách truyền dẫn các dưỡng tố toả khắp thân cây bao gồm nhánh lá gốc rễ. Nhựa sống ấy lại được nuôi dưỡng từ phẩm hạnh của những thành viên trong Tăng đoàn học hỏi từ chư Phật, chư lịch đại Tổ Sư như Vạn Hạnh Thiền sư, Minh Hải Thiền sư và Liễu Quán Thiền sư để giúp cho cổ thụ Tăng già thêm vững chắc. Đó cũng là ý nghĩa của hai buổi hội thảo (khoáng đại 3 và 4) được tổ chức vào sáng và chiều thứ Bảy (ngày 18 tháng 9) tại chánh điện của Tu viện Viên Đức.
Trong buổi khoáng đại 3, dưới sự chủ tọa của Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, Hòa Thượng Thích Nguyên An, hai thuyết trình viên là Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa, Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu đã trình bày về Tổ Sư Liễu Quán và hành trạng của Tăng già Việt Nam.
Theo các diễn giả, vào đầu thế kỷ 17 cho đến cuối thế kỷ 18, dòng Thiền Liễu Quán được khai sáng và truyền thừa tại giãi đất Miền Trung Việt Nam, rồi sau đó truyền bá sâu rộng khắp nơi cho đến ngày nay.
Tổ Liễu Quán họ Lê, pháp danh Thiệt Diệu theo học đạo với Tổ Giác Phong và Hòa Thượng Minh Hoằng Tử Dung. HT, Tử Dung trao cho công án “vạn pháp quy nhất-nhất quy hà xứ”. Một hôm, nhân đọc Truyền Đăng Lục tới câu “vật chỉ truyền tâm-nhân bất hội xứ”, Tổ bỗng nhiên giác ngộ và từ đó truyền bá Thiền tông. Trước khi viên tịch, Tổ tự tay viết bài kệ để lại: “Thất thập niên dư thế giới trung, Không không sắc sắc diệc dung thông, Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý, hà tất bôn nan vấn tổ tông” và bài Kệ truyền Pháp như sau: “Thiệt tế đại đạo, Tánh hải thanh trừng, Tâm nguyên quảng nhuận, Đức bổn từ phong…”
Là một tăng sĩ Phật giáo, tổ Liễu Quán đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống nhân sinh. Ngài như vị bác sĩ chuyên khoa điều trị những căn bệnh thuộc về tâm linh cho con người, như một sứ giả của Như Lai truyền bá chánh pháp giác ngộ, giải thoát và như người Thầy giáo chuyên ngành giáo dục để ổn định kỷ cương đạo đức xã hội.
Hòa thượng Như Điển chia sẻ ngay tại Nhật bản cũng có chánh trị xen vào tôn giáo. Có phải các nhà chính trị trong quá khứ muốn kéo tôn giáo lại để ổn định chính trị?
Hòa thượng Nguyên Siêu góp ý rằng thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc và trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam cũng có những vị vua coi ngai vàng như đôi dép rách. Tinh thần siêu việt giải thoát của Đạo Phật phải vượt trên, trên hết chứ không phải ngang tầng với những gì của thế gian. Tinh thần giác ngộ của đạo Phật từ địa vị con người tiến lên địa vị giải thoát chứ không phải chỉ có thần thánh mới được giác ngộ. Đây là điểm đặc biệt của đạo Phật.
Hòa thượng Thắng Hoan chia sẻ về vấn đề chánh giáo phân ly, Đức Phật đã đề cao tinh thần Tỳ kheo bất bái vương gia, vì Tỳ kheo không lệ thuộc vào chính sự. Tổ Liễu Quán cũng như chư Tổ luôn đề cao không dấn thân vào chính trị nhưng phải có tinh thần cố vấn chính trị. Cho nên Thiền sư Vạn Hạnh hay Ngô Chân Lưu đã giúp cho nhà vua trong những lần ngoại giao, bình định quốc gia, rồi sau đó trở về với bổn phận tu hành của mình. Tăng già luôn là gạch nối giữa triều đình và người dân. Nếu Tăng sĩ làm chính trị thì khi chế độ sụp đổ, Phật giáo phải sụp đổ theo. Cho nên Tăng già Viêt Nam luôn đứng ngoài chính trị nhưng không phải là làm ngơ hay thụ động.
Hòa thượng Minh Tâm bổ sung thêm rằng hiện nay bên Nhật và nhiều nước tại Âu Châu, tôn giáo và nhà nước phải tách ra. Tôn giáo không đi sâu vào chính trị và chính trị không đi sâu vào tôn giáo. Như trước kia, tòa thánh có ảnh hưởng rất mạnh trong chính phủ và chi phối việc điều hành quốc gia. Nhưng nhiều khi bị dẫm chân với nhau làm cho chánh phủ khó lòng giải quyết mọi quốc sự. Từ đó, chánh phủ mới có quyết định tôn giáo phải tách rời khỏi chánh phủ.
Hòa thượng Nguyên Trí ngỏ lời tán thán nội dung buổi hội thảo rất phong phú, thực tiễn, đã giúp cho thính chúng có một kiến thức sâu rộng về hành trạng của lịch đại tổ sư. Nói tóm, Ngày Về Nguồn là ngày tri ân và tưởng nhớ công đức của chư vị Tổ sư.
Tu viện Viên Đức hôm nay thật vui nhộn như ngày Phật hoan hỉ. Mọi người ai nấy tất bật với Phật sự của mình. Trong khi tại chánh điện, chư Tăng thảo luận về Liễu Quán Tổ Sư (khoáng đại 3) thì tại trai đường khoảng 40 quý sư bà, ni trưởng và chư ni thảo luận về sự liên kết ni giới các châu cho những kế hoạch ni đoàn tương lai. Riêng tại hội trường, Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa thượng Tín Nghĩa ban hai thời pháp thoại đầy lợi lạc cho các Phật tử tại gia; và tại văn phòng, Đại Đức Hạnh Giới cùng họp với các đại diện Chi Hội và Ban Hướng dẫn Gia Đình Phật Tử tại Đức Quốc. Nhưng có vẻ tất bật nhất là ban trai soạn, nhà bếp. Được biết, chùa Viên Đức và Niệm Phật Đường Tam Bảo cúng dường thực phẩm ba buổi lên chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử vào thứ Năm, ngày 15 tháng 9; Chùa Bảo Quang cúng dường thực phẩm vào thứ Sáu, ngày 16 tháng 9; chùa Viên Giác cúng dường vào thứ Bảy, ngày 17 tháng 9; chùa Linh Thứu và chùa Liên Trì cúng dường vào hai ngày 18 và 19 tháng 9. Phật tử ai nấy trông rất vui tươi hoan hỉ, gọt sắt nấu nướng như gởi hết tấm lòng cúng dường của mình qua trăm món mỹ vị dâng lên chư tôn đức. Khu phát hành đồ chay cạnh hội trường cũng rộn ràng không kém, nào phở, bánh ướt, bánh bèo, đồ kho, gỏi, chè, bánh tiêu, bánh cháo quẩy chiên nóng tại chỗ thơm phức. Phật tử chen chân vào mua ủng hộ, thưởng thức và nói cười rộn rã thật là đông vui như lễ hội mùa xuân.
Buổi khoáng đại thứ IV cuối cùng (chiều thứ Bảy ngày 18 tháng 9) với đề tài Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh do Thượng Tọa Hạnh Tuấn đảm trách dưới sự chủ tọa của Hòa Thượng Thông Hải và Hòa thượng Giác Sĩ. Thượng tọa trình bày như sau:
Năm 1694, phái đoàn hoằng pháp từ Trung Hoa sang Việt Nam truyền giáo, trong đó có Thiền Sư Minh Hải Pháp Bảo. Ngài vào Hội An, Quảng Nam khai sơn Chùa Chúc Thánh. Thiền sư Minh Hải là đời thứ 34 dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh đã xuất kệ như sau: “Minh thiệt pháp toàn chơn, Ấn chơn như thị đồng...”
Trong suốt 300 năm từ khi Thiền phái Chúc Thánh được thành lập các thế hệ Tăng nhân trong tông môn đã đóng góp rất sớm cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Đời thứ 2 gồm có bảy vị đắc pháp Tổ Minh Hải. Đời thứ 3 có các thiền sư Pháp Kiêm, Luật Oai, Minh Giác, v.v... Đời thứ 4 có Toàn Nhân, Vi Ý Quán Thông, Toàn Đăng, Bảo Nguyên, v.v... Đời thứ 5 có Chương Tư Tuyên Văn Huệ Quang, Chơn Nghĩa Liễu Tạng, v.v... Đời thứ 6 có thiền sư Vĩnh Gia... Đời thứ 7 có Chơn Giám Đạo Quang Trí Hải, Khánh Anh v.v... Ngài Trí Hải trước tác rất nhiều, nổi bật là hai tác phẩm “Quy Sơn Cảnh Sách” và “Mông Sơn Thí Thực Khoa Nghi”. Hòa thượng Khánh Anh là giáo thọ của các trường Phật học từ Miền Trung cho đến Miền Nam và Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Đời thứ 8 có Hòa Thượng Thích Tôn Nguyên, Thích Như Tuyến và Thích Thiện Hoa. Tiêu biểu nhất là Ngài Thiện Hoa làm Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo Vệ Liên Phái Phật Giáo và Viện trưởng Viện Hóa Đạo. Đời thứ 9 có Hòa Thượng Phúc Hộ, Hòa Thượng Hành trụ và Hòa Thượng Quảng Đức. Hòa Thượng Quảng Đức khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. Ngày 11 tháng 6 năm 1963, ngài tự thiêu phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo, bất công xã hội của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa và lưu lại hậu thế một quả tim bất diệt. Hòa Thượng Huyền Quang cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tổng Thư Ký, Phó Viện trưởng, Xử lý Thường vụ Viện Tăng Thống và Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN. Đó là hành trạng và sự nghiệp của dòng Thiền Phái Chúc Thánh (9 đời truyền thừa) đóng góp cho nền Phật Giáo Việt Nam.
Hòa Thượng Thắng Hoan tán thành rằng cây có cội nước có nguồn, ngoài đời lấy gia phả làm nguồn gốc. Phật Giáo lấy Hệ Phái - Tông Phái truyền thừa làm nguồn gốc.
Một Phật tử hỏi rằng con thường nghe quý Ngài nói tu sĩ là phải dấn thân vào xã hội, nghĩa là cởi áo cà sa khoác áo chiến bào trong lúc quốc gia lâm nguy. Như vậy là nghịch hay thuận với lòng từ bi của đạo Phật?
Hòa Thượng Thắng Hoan: Từ bi không phải là thụ động. Chúng ta cởi áo cà sa, dấn thân để dẹp loạn, đem lại bình yên cho quốc dân. Đó là hạnh nguyện từ bi đem lại an lạc cho đất nước.
Chiều thứ Bảy ngày 18 tháng 9 năm 2010 (từ 6:15g chiều đến 7:15g tối) là chương trình văn nghệ Vu Lan. Chương trình bắt đầu đầy phấn khởi với đội lân (lân mẹ, lân con) rầm rộ của Gia Đình Phật Tử Viên Đức phụ trách. Nhiều tiết mục ca hát do các Phật tử tại Đức quốc nhiệt tâm đóng góp như bài Mẹ Yêu Dấu, Múa Diều Lên Bản Trượng, Mẹ Quan Thế Âm, Hỏi, Cô Gái Dỗi Hờn và đặc sắc với màn múa “Xuân Mộng” và diễn kịch “Quà cho Mẹ”, v.v… đã nói lên lòng hiếu thảo của người con Phật đối với song đường hiền tiền hay quá vãng. Đó là nét văn hóa của dân tộc Việt nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng.
Cũng trong tối thứ Bảy ngày 18 tháng 9 là buổi trà đàm của chư Tăng Ni. Tại chánh điện, những ngọn nến lung linh dịu dàng tỏa hơi ấm trên những khuôn mặt của những người con Phật khắp năm châu bốn biển. Không khí thật trang nghiêm, sâu lắng và đầy tình đạo vị với sự đóng góp thơ, văn, nhạc của chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử. Hòa thượng Như Điển khai mạc chương trình văn nghệ với bài thơ nổi tiếng “Nhớ Chùa” của Huyền Không, tiếp theo là Ký giả Thanh Huy (Việt báo) ngâm bài “Bà Mẹ Việt Nam”, rồi Thượng Tọa Hạnh Tuấn ngâm bài thơ nói về Tâm sự của người anh đối với các Tăng Ni trẻ. Mọi người như vui lên khi thấy Hòa thượng Thích Thắng Hoan cũng tham gia văn nghệ với bài hát trẻ trung “Bên bờ suối mộng” hòa khúc mừng tao ngộ do Hòa thượng sáng tác. Thính chúng cũng được thưởng thức giọng ca thanh thoát của Đại đức Viên Giác. Ni sư Giới Hương hát bài “Con đường xưa ta đi” (lời của Thầy Pháp Hòa) nói lên chí nguyện độ sanh của bậc xuất trần thượng sĩ. Gia đình Phật tử Viên Đức cũng góp vui với bài hát tập thể “Truyền tình thương cho nhau, tình càng thêm thân nhau”. Rồi Thượng Tọa Bổn Đạt (Canada) ngâm thơ, đặc biệt bốn câu thơ của một Phật tử tặng Hòa thượng Như Điển rất hay:
Con kính chúc năm đi Thầy vẫn ở
Vẫn hiên ngang như đá giữa phong ba
Như mai già xuân đến lại đươm hoa
Cho vườn đạo ngát mùi hương Phật pháp.
Hòa Thượng Bảo Lạc và Thượng Tọa Tâm Huệ cũng chia sẻ với đại chúng giọng ngâm thơ rất nghệ sĩ. Thời gian có hạn nhưng tâm tình qua thơ, văn, nhạc của chư tôn đức và Phật tử bất tận. Ngày mai mỗi người sẽ trở về trụ xứ của mình, nhưng hình ảnh của ba ngày Về Nguồn và đêm văn nghệ tâm tình thì còn lưu dấu mãi.
Sáng Chủ Nhật ngày 19 tháng 9 năm 2010 là Lễ Bế mạc và nghi thức Hiệp Kỵ Lịch Đại Tổ Sư. Thính chúng thật cảm động khi nghe dòng tâm sự của Hòa thượng Thích Như Điển:
“Đây không phải là những thành tựu lớn, cũng không phải là thành công cụ thể nào đối với nền Phật giáo Việt Nam ở hải ngoại. Nhưng bên dưới các sinh hoạt Về Nguồn là mối đồng cảm tương lân giữa những người cùng chiếc áo hoại sắc, là sự thân thiết đạo vị của tình cốt nhục Linh Sơn. Thầy-trò, huynh-đệ, tỷ-muội chúng ta, lìa bỏ gia đình thân thích từ lâu, hiến mình trong chốn đạo đầy những gian lao thử thách, dấn thân hoằng pháp giữa cuộc thế loạn động nhiễu nhương; rời làng nước, xa chùa xưa, độc hành độc cư nơi các đạo tràng riêng biệt xa cách; mỗi năm có nhân duyên tương ngộ vài ngày với đồng đạo khắp xứ, làm sao không khỏi nhỏ lệ mừng vui, trân quí”.
Hòa Thượng Minh Tâm cũng thế. Ngài thật vô cùng tha thiết khi nói lên Tâm Nguyện của Tăng Ni Sinh Hải Ngoại: "Trong nỗ lực kiên cường và cô đơn hướng về mục tiêu tối hậu, chúng con làm sao không khỏi phải vượt qua muôn triệu chướng duyên và thử thách của thế đạo, nhân tâm. Ngoảnh trước, nhìn sau, chỉ có thầy-trò, huynh-đệ là đồng hành pháp lữ. Trong tâm cảm như vậy, chúng con không thể không nhìn nhận nhau, không thể không rơi lệ mừng vui với những ngày đoàn tụ hiếm hoi như thế này trong chuỗi dài dấn thân hành đạo cứu đời.
Ngày Về Nguồn đã mở ra như thế, chỉ là thời gian ngắn ngủi và tụ điểm nhỏ hẹp cho những kẻ “phát túc siêu phương,” nhưng cũng nguyện được là điểm sáng trang nghiêm của biển lớn Tăng-già”.
Đạo hữu Thiện Ngộ, đại diện quý Phật Tử Viên Giác (Hannover), Viên Đức (Ravensburg) nói lên bổn phận của người Phật tử đối với Đạo pháp, Dân tộc và phát nguyện ủng hộ Ngày Về Nguồn rằng: “tinh tấn tu học, tham gia công tác Phật sự tại Giáo hội địa phương, nhằm đóng góp công sức để tạo phương tiện cho Chư Tôn đức trong công cuộc hoằng pháp độ sinh. Luôn phát huy lý tưởng mà người Phật tử đã chọn.”
Lễ cúng húy kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư diễn ra vô cùng thành kính và trang nghiêm. Ban thỉnh sư với đoàn lân, hai kiệu hoa, lọng, phướng, chuông trống Bát Nhã, phách đổ liên hồi, cung thỉnh chư tôn đức từ chánh điện quang lâm lễ đài. Thật là kỳ diệu! theo dự báo thời tiết địa phương thì hôm nay trời sẽ mưa và mây mù. Vậy mà lúc thỉnh sư, cúng Tổ ngoài lễ đài thì trời quang gió mát khiến ai nấy lòng vui lên, như cảm được sự nhiệm mầu ủng hộ của chư Tổ cùng chư Hiền Thánh Tăng.
Sau phần dâng hương, lễ Phật, Hòa Thượng Tín Nghĩa thay mặt đại tăng truy tán công hạnh chư Lịch đại Tổ sư, chư tôn giác linh và chư Thánh tử đạo Phật giáo Việt Nam như sau:
“Dựng nước yên dân - Giữ thơm sơn hà một cõi;
Hộ đạo cứu đời – Soi sáng pháp bảo mười phương…
Tinh tấn tu trì, xứng danh lương đống cửa thiền;
Chuyên tâm nhiếp chúng, đáng mặt pháp khí nhà Không.”
Gửi ý kiến của bạn