PHẬT GIÁO ÚC CHÂU Trụ sở Giáo Hội: Chùa Trúc Lâm, 11-15 Winspear Ave, Bankstown, NSW 2200. Tel: +61.02. 97086339 ; Mobile: 0422 310 225. Australia. Website: www.phatgiaoucchau.com. Email: giaohoiucchau@gmail.com.
KẾT NỐI CÙNG PGUC
THƯ MỤC TÁC GIẢ
KHÁCH VIẾNG THĂM
100,000

Trách Nhiệm Hoằng Pháp là Sứ Mệnh của Người Xuất Gia Trong Thời Đại Mới

21 Tháng Ba 20206:29 CH(Xem: 12815)
Trách Nhiệm Hoằng Pháp là Sứ Mệnh của Người Xuất Gia Trong Thời Đại Mới

TRÁCH NHIỆM HOẰNG PHÁP LÀ SỨ MỆNH

CỦA NGƯỜI XUẤT GIA TRONG THỜI ĐẠI MỚI

Nhân dịp Đại Hội Khoáng Đại kỳ VI
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi- Tân Tây Lan.
(20 - 22/09/2019)


Tỳ kheo Thích Nguyên Trực


 

I.  Sứ mệnh cao cả của người xuất gia

Người xuất gia là người luôn lập hạnh đời sống thanh tịnh, diệt trừ phiền não, nhiếp phục ma quân, trên đền đáp bốn ân và dưới cứu khổ ba đường như Tổ Qui Sơn đã dạy: “Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương, tâm hình dị tục; thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu.” Nghĩa là: Luận người xuất gia, phải đi đến bực Đại thừa, tâm hình khác tục, nối thạnh dòng Phật, đánh dẹp ma quân, đền trả bốn ân, cứu giúp ba cõi.

Từ đó người xuất gia nỗ lực “Nội cần khắc niệm chi công, ngoại hoằng bất tránh chi đức”, tức bên trong thì tu tập chánh niệm, bên ngoài thì thể hiện đức tính không tranh đua hơn thua với đời, để hoàn thành sứ mạng cao cả hay trách nhiệm duy nhất là tự giác ngộ lấy mình, để có thể đem lại trí tuệ giác ngộ cho người khác, tự giải thoát lấy mình để có thể cứu vớt người khác.
Người phát đại tâm xuất gia đương nhiên sống đời sống phạm hạnh, đem mình làm gương lành, dẫn lối cho nhân gian, làm mô phạm, đạo đức cho tín đồ và tiếp nối ngọn đèn chánh pháp của Đức Như Lai lưu truyền khắp nơi. Đó là vai trò và trách nhiệm của người tu sĩ. Vai trò và trách nhiệm ấy rất là thiêng liêng và giá trị hơn cả những mặt hàng kinh tế hiện đại khác. Cho nên trong Kinh Sa-môn quả đức Phật dạy rằng: “Với đời sống phạm hạnh, nghiêm trì giới luật, vị Tỳ-kheo không gây khổ đau cho mình, cho tha nhân, cho mọi loài, ngược lại, còn đem đến sự bình an, không sợ hãi, hạnh phúc cho tất cả. Người sống như vậy có đáng được cung kính và cúng dường hay không? Đó là kết quả thiết thực hiện tại của người xuất gia. Vị tu sĩ từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, từ bỏ sân hận, lòng từ bi mẫn thương xót tất cả các loài hữu tình… Đó là kết quả thiết thực hiện tại của vị Sa-môn”.Thật vậy, Tăng Ni ngày nay sống trong môi trường xã hội đầy dẫy sự quyến rũ của vật dục, tình cảm mà tâm hồn người xuất gia không hề bị dao động, đó quả là một hành trình vô cùng khó khăn và đầy thử thách. Vì thế hình ảnh của người xuất gia cũng có nghĩa là người có chí nguyện vững chãi, có định lực kiên trì, có phẩm chất kham nhẫn trước nghịch cảnh của cuộc đời. Chính vì vậy mà hình ảnh và vai trò của người xuất gia trở nên cao quý. Giới Phật tử tại gia hết lòng cung kính, hết lòng hộ trì đoàn thể xuất gia cũng chính vì lẽ ấy.

Tất cả những người xuất gia và tại gia nghĩ đến sự hưng suy của Đạo Phật trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp của Như Lai đều mong muốn Phật Pháp và chân lý của Đức Như Lai hưng thịnh, nhưng làm sao để góp phần tạo sự hưng thịnh đó? Đây là bài toán khó, là một ẩn số, nếu không có bàn tay của những người tu sĩ nhiệt huyết. Ở đây chúng tôi viết bài nầy không có tham vọng trình bày một phương pháp để một Tăng sĩ nào đó làm cho Phật Pháp hưng thịnh, mà chúng tôi muốn trình bày một vài suy nghĩ cho vấn đề nầy, ngõ hầu có thể góp phần giúp các vị Tăng Ni trẻ hôm nay suy nghĩ thêm về giai đoạn Phật giáo ở thế kỷ 21. 

II.   Sứ mệnh hoằng pháp của người Tăng Sĩ

Sứ mệnh hoằng pháp thật quan trọng, vì đây là tiền đề để Phật Pháp lưu truyền. Chính ngay từ thời Phật cho đến nay, dù ở bất cứ quốc gia nào, thời đại nào, sinh hoạt trong GH hay hệ phái nào, đều có vai trò vô cùng trọng yếu trong tất cả các sinh hoạt của Phật giáo, trong đó tất nhiên phải kể đến hoằng pháp.

Sau khi Đức Phật chứng thành đạo quả, nếu Ngài không vận chuyển bánh xe Chánh Pháp lần đầu tiên tại vườn Nai, nếu bốn chúng đệ tử của Ngài suốt 26 thế kỷ qua không tiếp tục thực hành và truyền bá giáo lý, thì Phật giáo sẽ không tồn tại, và không có Phật pháp để chúng ta học tập, hành trì cho đến ngày nay.

Tư tưởng của đạo Phật được Đức Thế Tôn khởi nguồn đã hòa nhập vào nền văn hóa Việt một cách sâu rộng, góp phần làm phong phú nền tảng văn hóa dân tộc. Kể từ đó trở đi, qua các thời đại từ mở nước và dựng nước, đạo Phật luôn hài hòa với các hệ tư tưởng khác, với tinh thần khoan dung, cởi mở, từ bi và trí tuệ. Chư vị Tổ sư nhiều đời đã bảo tồn, truyền lưu Phật pháp, hy sinh cả sinh mệnh của mình, để hôm nay Tăng Ni chúng ta được kế thừa.

Với tâm nguyện xả thân cầu đạo, xả phú cầu bần sống đời sống thanh đạm, kế thừa đức tính từ bi, vô ngã vị tha mà chư Tổ đã cất bước vân du đến những vùng đất xa xôi, những quốc độ để truyền thừa giáo pháp không quản gian lao, không từ khó nhọc. vì thế hơn 26 thế kỷ Phật giáo luôn ôn hòa, không giọt máu nào đổ xuống vì sự truyền bá chánh pháp, không có sự cảm hóa bằng vũ lực hay bất kỳ một phương tiện cưỡng bách nào khác, không có ý mưu đồ xâm lăng chiếm đoạt. Phật giáo đi đến đâu chỉ mang ánh sáng từ bi, đạo đức chiếu soi đến đó và tạo dựng hòa bình an lạc cho dân tộc xứ ấy. Phật giáo đã có những đóng góp to lớn cho sự tiến hóa của nhiều quốc gia tại châu Á. Hiện nay Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi… ít nhiều đã có dấu chân Phật giáo. Có những quốc gia hưng thịnh rồi suy tàn. Có những đế quốc được xây dựng trên bạo lực và cường quyền đã trở nên thịnh vượng rồi cũng bị tan rã, nhưng vương quốc chánh pháp do Đức Phật lập ra bằng tình thương, lòng từ bi và tuệ giác vẫn đang phồn thịnh và sẽ tiếp tục thịnh vượng trên thế gian này. Sứ mệnh hoằng pháp thật quan trọng, và không phải là việc riêng của một người xuất gia nào.
Người xuất gia học Phật, thân không hằng ngày phụng dưỡng mẹ cha, chí chưa đền ơn Tổ quốc, nương tựa cửa thiền chỉ mong sớm kệ chiều kinh, ăn vừa đủ no, mặc không quá ấm, chấp lao phục dịch không để uổng phí thời gian. Vì thế, kẻ xuất trần phải rạng bày dấu chân chư Tổ, hoằng dương tông chỉ Phật gia, tinh cần từ ái, không hơn thua tranh giành nọ kia, để xứng đáng là người Thích tử thiền môn và là nơi nương tựa tinh thần cho bốn chúng. Tự nghĩ mỗi việc làm, mỗi lời nói cho đến mọi ý nghĩ đều là những sức mạnh gieo vào bầu không khí của pháp giới duyên sinh. Đó là những gì căn bản và cốt yếu của đạo Phật mà bản thân người xuất gia phải thực hiện.

Đức Phật đã từng dạy các vị Tỳ kheo hãy lên đường truyền bá Chánh pháp với lời lẽ thật cảm động như sau:“Này các Tỳ kheo!... Hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người một ngả, hãy truyền bá chánh pháp... Hãy phất lên ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu, hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã hoàn tất nhiệm vụ”.([1])Lời dạy tha thiết này trở thành tuyên ngôn, là cương lĩnh nêu rõ động cơ và mục đích của việc hoằng pháp mà Tăng Ni trẻ ngày nay cần thực hiện.

Trong hoàn cảnh hiện nay, tại hải ngoại, hơn bao giờ hết, người Tăng sĩ PGVN cần nỗ lực thắp sáng di sản quý báu của tiền nhân, để báo đáp thâm ân hóa độ của Đức Phật và ân đức giáo dưỡng của Thầy Tổ, đồng thời làm hiển lộ hạnh nguyện của tập thể Tăng Già Việt Nam.

Thực tế ngày này sự có mặt của Phật giáo tại xã hội Úc Châu là điều cần thiết. Các nhà Xã hội học cho rằng hầu hết giới trẻ từ các gia đình theo Phật giáo đều có nền tảng về đời sống tâm linh và ít phạm pháp. Do đó, rất cần thiết để lập một chương trình giáo dục Phật giáo cho các cộng đồng sắc tộc ở tại đây. Đành rằng, giáo dục tôn giáo là nhiệm vụ của nền giáo dục phổ cập của quốc gia. Tuy nhiên sự hướng dẫn đời sống văn hóa và đạo đức này sẽ tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ nếu các tổ chức Phật giáo đứng ra đảm trách.

Vấn đề căn nguyên của Phật giáo tại Úc là câu chuyện hấp dẫn về một tôn giáo Từ bi – Trí tuệ đang tồn tại cho dù không có nhiều lợi thế. Làm thế nào mà một tôn giáo đã ra đời hơn 2.600 năm, trước Cơ Đốc giáo 500 năm, trước Islam giáo 1.000 năm, vẫn tương thích với đời sống hiện đại của nước Úc? Tất cả các tôn giáo cổ đang lụi tàn trước thực tế hiện tại, như tín ngưỡng thờ mặt trời của người Ai Cập cổ đại, tục hiến tế người của người Maya Nam Mỹ và tôn giáo cổ Xen-tơ thời Trung cổ của người Anh, thế nhưng Phật giáo lại tồn tại lâu hơn tất cả. Phật giáo không tuyên truyền một niềm tin thờ cúng lạ lẫm, hay tìm kiếm người cải đạo giống như sự hăng hái của Phúc âm. Phật giáo không đưa ra những giáo điều của một tà đạo, cũng không ráo riết tìm cách cải đạo. Những người Úc theo đạo Phật là hoàn toàn tự nguyện, là những người đã tự nguyện cải đạo, họ đến với đạo Phật vì tìm thấy một niềm an vui nội tâm. Những người Úc đến với Phật giáo và thường là những học giả ở độ tuổi trung niên được giáo dục nghiêm túc, họ bị hấp dẫn bởi cảm giác bình yên nội tâm. Vì thế, vùng đất mãi chìm đắm trong thế giới vật chất của nó dường như là sức hấp dẫn Phật giáo truyền bá đến đây. Có thể nó giống như những cặp mắt của người xưa mà chúng ta lần đầu tiên nhìn thấy. Điều hấp dẫn đáng nói ở đây là mặc dù số lượng Phật tử mới tăng lên trong thời gian gần đây trên khắp nước Úc, nhưng Phật giáo thực sự đã giữ một vai trò trong lịch sử nước Úc vào một giai đoạn nào đó. Nó chẳng phải là sự tăng đột biến bởi làn sóng người nhập cư. Thực tế, có một số nhà nhân loại học đã giả thiết rằng PG có thể là tôn giáo ngoại nhập đến Úc sớm nhất trước khi người da trắng đến định cư.

Phật giáo đã và đang phát triển rất nhanh tại Úc, là tôn giáo lớn thứ hai sau Thiên Chúa giáo, tôn giáo cố hữu tại quốc gia này. Theo thống kê mới nhất thì những người theo đạo Phật là hơn 200,000 người. Hiện nay đã có trên 300 chùa chiền, thiền viện và tổ chức Phật giáo, thuộc đủ các giáo phái, tông môn (Nguyên Thủy, Đại Thừa, Mật Tông…), đủ các sắc tộc (Trung Hoa, Tây Tạng, Thái, Miến Điện, Lào, Việt Nam…) tại Úc châu, trong số này có 41 THÀNH VIÊN TỰ VIỆN chính thức của GIÁO HỘI PGVNTNHN tại UĐL-TTL Nhiệm kỳ 5 (2015-2019).[2]

Số lượng người Úc ngày càng hướng về với Phật giáo ngày một nhiều, đây là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, họ đã gặp khó khăn trong việc học hỏi và thực hành giáo lý nhà Phật, do bất đồng về ngôn ngữ và va chạm hàng rào văn hóa giữa các sắc tộc. Do vậy, các hội đoàn Phật giáo tại Úc, nhất là của người Úc phải chủ động phối hợp với các hội đoàn Phật giáo thuộc các sắc tộc khác để cùng nhau giải quyết những khó khăn, bế tắc trong quá trình truyền bá. Đó là nỗi trăn trở không phải của riêng ai, mà chính các vị tu sĩ Phật giáo Việt Nam tại Úc phải suy nghĩ, phải tìm cách để phát huy và truyền bá lời Phật dạy rộng rãi cho các cộng đồng khác nhiều hơn là chỉ khu biệt trong nội bộ sắc tộc của mình.

III. Trách nhiệm của vị Trụ Trì

Muốn cho Phật pháp được lan rộng đến nhân quần xã hội, cần phải nhờ những “sứ giả Như Lai” hoằng truyền, nhận lãnh sứ mạng tiếp Tăng độ chúng, truyền trao giáo pháp của Đức Phật cho chúng sanh, hầu chuyển hóa tâm thức, tạo dựng một đời sống an lạc và hạnh phúc ngay tại thế gian. Những vị ấy phải có tâm nguyện dấn thân phụng sự đạo pháp, phục vụ nhân sinh trên tinh thần vô ngã vị tha.

Vị Trụ Trì là sứ giả trong việc hoằng dương Phật pháp, bởi lẽ, ngôi chùa là nơi quy tụ quần chúng Phật tử, gắn bó với mọi hoạt động của con người và xã hội. Sự tuyên dương Chánh pháp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi công năng tu tập và hiệu quả gánh vác các hoạt động Phật sự địa phương của vị Trụ Trì. Ở góc độ thực tế, vai trò của vị Trụ Trì đã trở thành tác nhân trung tâm của mọi vận động Phật sự và chuyển tải nội dung Phật pháp vào xã hội, giúp cho giáo pháp của Đức Phật được lan tỏa khắp nơi, đến với nhiều đối tượng khác nhau. 

Đạo Phật không phải là một tín ngưỡng, cũng không hẳn là một tôn giáo. Phật giáo gần với Tâm Lý học và là một Triết học trong đó có cả một nền đạo đức tu luyện tâm tánh. Ông Albert Einstein nói rằng: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Tôn giáo này sẽ vượt trên một Thượng Đế được nhân cách hóa, không còn có những giáo lý hay thần học. Một tôn giáo vừa cho thiên nhiên vừa cho tâm linh con người, dựa trên sự chiêm nghiệm mọi sự thể trong thiên nhiên trong tâm linh, hài hòa hợp nhất. Phật giáo đạt đến điều nói trên. Nếu có một tôn giáo nào thích nghi được với nhu cầu hiện đại của Khoa học thì tôn giáo đó phải là Phật giáo”.
Vì thế, Ngôi chùa cần được coi như là một cơ sở truyền bá Phật pháp chứ không phải chỉ thuần túy đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Vị Trụ Trì có nhiều thuận lợi và ưu thế, có tính chủ động cao trong sứ mệnh hoằng pháp. Một vị Trụ Trì phải là một nhà hoằng pháp hữu hiệu, nên phải biết rõ vai trò quan trọng của mình và bối cảnh xã hội, nhu cầu của tín đồ và sự vận động bánh xe pháp như thế nào để chuyển đổi cơ chế sinh hoạt cho phù hợp với thời đại.

Do vậy, vai trò của vị Trụ Trì đã trở thành trung tâm chuyển tải nội dung Phật pháp, khởi nguồn tuệ giác trong mỗi con người và cũng là trung tâm vận động mọi Phật sự ở nơi địa phương khi cần thiết. Muốn hoàn thành trách nhiệm, vai trò của vị Trụ Trì trong sự nghiệp phụng sự đạo pháp và dân tộc, điều kiện tiên quyết là khi thực hiện mọi Phật sự phải đúng theo Chánh pháp và giới luật của Phật. Nghiêm trì giới luật là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu của vị Trụ Trì. Đạo hạnh uy nghiêm mới có thể làm chỗ nương tựa vững chắc cho Tứ chúng noi theo tu tập và đảm đương vai trò sứ mạng hoằng pháp độ sanh.
Khi giới luật được giữ gìn một cách thanh tịnh thì tính cách ly trần thoát tục của một bậc xuất gia hiện bày. Mọi người khi nhìn vào đạo hạnh sáng ngời của vị Trụ Trì sẽ phát tâm quy hướng Phật pháp. Do đó, việc giữ gìn giới luật của vị Trụ Trì không chỉ lợi ích cá nhân mà còn làm lợi ích cho rất nhiều người. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự cảm hóa quần chúng đến với đạo Phật, dẫn đến thành công trong quá trình hoằng dương Chánh pháp. Nếp sống chuẩn mực trong đời sống phạm hạnh của vị Trụ Trì cũng phản chiếu tấm gương cao đẹp đến với mọi người. Hình ảnh và nếp sống đạo hạnh của vị Trụ Trì sẽ là một bài thuyết pháp vô ngôn sinh động, đầy tính thuyết phục để cảm hóa mọi người trở về với Chánh pháp. Thân giáo là một biểu tượng mẫu mực gây được ấn tượng đạo hạnh trên bước đường cảm hóa tha nhân. Trong cuộc sống thường nhật, quần chúng Phật tử thường quan sát và nhận xét vị Trụ Trì ở nhiều góc độ, từ hình dáng, cử chỉ cho đến phong cách ứng xử, trình độ tu tập cũng như phương pháp hành trì... Có những vị Trụ Trì tuy khả năng thuyết giảng không được thông lợi, hoạt bát, nhưng chính thân giáo của vị ấy với uy đức thanh cao là bài pháp vô ngôn chuyển hóa biết bao con người quay về nẻo giác. Tự thân của người mang sứ mệnh hoằng pháp phải luôn tu dưỡng bản thân, hoàn chỉnh nhân cách của mình để làm mô phạm cho mọi người xung quanh. Nếu không có một đời sống mẫu mực thì không thể tạo cho đồ chúng niềm tin tưởng và khiến họ thực hành theo những gì mình hướng dẫn, con đường giáo hóa sẽ không mang lại kết quả gì. Điều cần thiết phải có nơi vị Trụ Trì chính là trí và đức. Thông qua những hoạt động thường ngày, vị ấy thể hiện được cung cách của một bậc xuất trần thượng sĩ, giải quyết mọi việc bằng cái tâm tu tập và hành trì lời Phật dạy, tạo nên nguồn năng lượng chuyển hóa an lạc cho mọi người.

Mỗi ngôi chùa là một trung tâm văn hóa, giáo dục của Phật giáo, mà vị Trụ Trì đóng vai trò linh hồn chủ đạo trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức sinh hoạt của trung tâm đó. Cần duy trì thường xuyên những buổi thuyết giảng vào các khóa tu định kỳ, những ngày Sám hối tại chùa, hoặc lồng ghép vào các chương trình lễ hội như Phật đản, Vu lan, các ngày lễ vía, giỗ Tổ, ngày truyền thống... nhằm tạo sinh khí cho phong trào tu học nơi mỗi tự viện và là cách truyền bá Phật pháp sâu rộng từ mỗi cơ sở tự viện nơi địa phương. Thiết lập đạo tràng tu tập là một trong những mục tiêu của Giáo hội nói chung và của mỗi vị Trụ Trì nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử hiện nay, rèn luyện lối sống lành mạnh, những phương pháp thực tập có lợi ích thiết thực cho sự chuyển hóa thân tâm, nhân rộng nguồn năng lượng bình an cho cộng đồng.

Với mục đích chuyển tải tư tưởng của Đức Phật đi vào đời sống thực tiễn, vị Trụ Trì không chỉ truyền bá Phật pháp qua kiến thức Phật học phổ quát trên lý thuyết văn tự mà phải bằng sự thực nghiệm tự thân trải nghiệm công phu tu tập. Khi muốn chỉ dạy cho người khác một phương pháp tu tập nào đó, đòi hỏi người Trụ Trì phải là người có quá trình công năng tu tập, đạo lực thăng tiến, đã có hành trì qua phương pháp thực nghiệm mới có khả năng ứng dụng một cách nhuần nhuyễn để chuyển hóa và tháo gỡ những vướng mắc cho người khác. Những phương pháp hướng dẫn đó phải đúng theo lời Phật dạy, thực tế và mang đến lợi ích thiết thực trong hiện tại và tương lai. Vị Trụ Trì phải có quá trình tu học lâu dài, chuyên sâu nghiên cứu kinh điển và hành trì giáo pháp. Nếu vị ấy không có sự dụng công nhất định trong nghiên cứu và tu tập sẽ là một thiếu sót lớn, sứ mạng hoằng pháp cũng khó mà thành tựu.

Ngày nay, tín đồ Phật tử nhiều người có trình độ Phật pháp rất sâu sắc. Do đó, vị Trụ Trì cũng cần phải trang bị cho chính mình một kiến thức về mọi lãnh vực cần thiết cho trách nhiệm của mình, thông suốt nội điển, am hiểu ngoại điển, phải có kinh nghiệm tiếp Tăng độ chúng, biết cách tổ chức tu học trong thiền môn, kiến thức thẩm mỹ về xây dựng chùa, cách trần thiết nơi thờ tự... Dù rằng, vị Trụ Trì đa đoan Phật sự nhưng phải dành thời gian nghiên cứu thêm kiến thức phổ thông và nội điển, ngoại điển để theo kịp sự phát triển và đổi mới của thời đại, thực hiện tôn chỉ của đạo Phật là: “Duy tuệ thị nghiệp”, dùng trí tuệ làm sự nghiệp để thức tỉnh chính mình và thức tỉnh chúng sanh để cùng mưu cầu hạnh phúc cho muôn loài, để Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại nhập thế.

Nhìn lui về quá khứ hơn ba thập niên ty nạn và định cư tại Úc nói riêng và hải ngoại nói chung, hiện nay Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại đã đặt nền móng vững chắc và hoạt động khởi sắc. Chùa chiền và các cơ sở tu học đã được thiết lập khắp các tiểu bang, nơi nào có người Việt định cư. Tăng Ni đa số theo làn sóng người tỵ nạn đã đến đây, thành lập GH và bắt tay đẩy mạnh phong trào tu học Phật cho quần chúng ngày càng đa dạng hơn, có quy củ hơn, và quy tụ nhiều người hơn. Một số Tăng Ni khiêm tốn khác cũng đã được đào tạo tại hải ngoại để cung ứng nhu cầu Phật sự cấp bách. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc cùng với Giáo Hội PGVNTN các Châu khác còn nỗ lực vận động tái lập tự do tôn giáo, nhân quyền cho Việt Nam.

Nhưng bấy nhiêu đó là chưa đủ, vì sao? So với sự truyền bá Phật giáo do chư Tăng các nước như Trung Hoa, Đài Loan, Tây Tạng, Thái Lan… Tại Úc hay các nước Phương Tây, Âu, Mỹ, Châu Phi… PGVN tại hải ngoại thua xa, bằng nhiều hình thức chư Tăng các nước đã tiếp xúc, khuyến hóa hòa nhập tại xứ sở, bản địa độ không biết bao nhiêu người bản xứ xuất gia. Trong khi đó Tăng Ni Việt Nam ở nước ngoài hiện nay cũng khá nhiều, nhất là Tăng Ni trẻ, nhưng mấy ai chịu dấn thân hành đạo, chịu học tiếng bản xứ, chịu dịch kinh điển để truyền bá ngôn ngữ tại nước mình cư trú, cứ mãi lo kêu gọi tổ chức gây quỹ xây chùa, thu hút Phật tử người Việt chùa khác về chùa mình, lớp trước thì lo đấu tranh kêu gọi phục hoạt GH PGVNTN trong nước, đấu tranh tự do nhân quyền cho Việt Nam, lớp sau thì tu hành nửa vời, mãi lo lợi dưỡng, không thu hút được những người Việt trẻ thế hệ 80, 90, 2000 về Chùa, nếu như thế hệ người Việt trước và sau 75, họ già đi, họ không còn đủ sức khoẻ, con cháu lo làm ăn không đưa họ đến chùa, thử hỏi thế hệ này mất đi thì còn bao nhiêu người gốc Việt đến chùa? Chưa kể chư Tôn Đức Tăng Ni Việt lớn tuổi tại hải ngoại mà đa phần là nhất Tăng nhất tự mất đi thì ai tiếp nối kế thừa? Duy trì ngôi chùa Việt tại hải ngoại? Vì vậy chúng tôi kêu gọi sự tự thân nỗ lực của Tăng Ni trẻ Việt Nam Tại hải ngoại, ngoài tinh tấn hành trì giới luật, cần trau dồi thêm tiếng bản địa, tiếp hóa người bản xứ hướng họ theo mình xuất gia, dịch kinh điển ra ngôn ngữ nơi mình cư trú, mặc dù văn hóa và ngôn ngữ khác biệt, nhưng Phật pháp không phân biệt Nam Bắc tông phái, ngôn ngữ, GH và Tăng Ni thường xuyên tổ chức các khoá tu học thu hút người dân bản xứ, chứ không phải như hiện nay 1 năm GH PGVN tại hải ngoại tổ chức 1 hay 2 khoá mà thôi.


Phat trang long son 2
Kim Thân Phật Tổ (cao 21 mét)
tại Chùa Long Sơn, Nha Trang, khởi công xây dựng 1963 hoàn thành năm 1965



Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Như Huệ, nguyên Hội Chủ GHPG VNTNHN Tại UĐL- TTL từng huấn từ Tăng Ni chúng ta: “… Chúng ta đang sống trong nhà lửa, trong một thế giới nhiễu nhương và đầy sự bất an, cho nên GHPGVNTNHN UĐL-TTL ra đời, với hoài bão hóa giải những nỗi bất hòa và tập trung được sức mạnh của Tăng Đoàn Việt Nam tại Úc mà Hoằng Pháp Độ Sanh, trong một thời gian nhiều biến động và đầy thử thách. Nhưng nhờ hiểu được chữ Nhẫn, áp dụng lời Phật dạy, sống ‘hài hòa và tùy duyên’ vào Phật sự và cuộc sống hằng ngày của Chư Thiền Đức Tăng Ni trong Giáo hội, cho nên đến hôm nay, qua bốn nhiệm kỳ với hơn mười sáu năm trời đầy gian truân, vẫn trường tồn và trưởng thành. Từ năm ba ngôi chùa, nay đã phát triển hơn bốn mươi tự viện, hàng trăm Tăng, Ni thành viên và hàng trăm ngàn Phật tử sinh hoạt ở nhiều đạo tràng tu tập, trên toàn liên bang.

… Hiểu được nguyên lý ‘trùng trùng duyên khởi’ nên chúng ta đã quyết chọn phương pháp sống ‘hài hòa và tùy duyên’ để hành đạo. Nhờ hài hòa và tùy duyên mà Giáo hội chúng ta mỗi ngày một vững mạnh và phát triển, nhờ hài hòa và tùy duyên mà mỗi thành viên trong Giáo hội mỗi ngày một tôn trọng, thông hiểu nhau để gắn kết thêm hơn và cũng nhờ hài hòa và tùy duyên mà những người muốn chứng tỏ ‘bản ngã’ nếu không biết quay đầu, sẽ lần hồi bị đào thải, và sẽ  ‘ngộ’ ra rằng, muốn tiến tu phải ‘quán chiếu lại nội tâm, làm triệt tiêu bản ngã và chuyển hóa nghiệp lực của mình’ thì mới mong đạt đến giác ngộ, giải thoát …” 
(Trích trong Diễn Văn Khai Mạc Đại Hội Khoáng Đại Kỳ V (2015), tại Tu Viện Quảng Đức, Melboure,)

Vì vậy, Chư Tăng Ni Việt Nam tại hải ngoại luôn luôn tâm nguyện phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật, lấy tinh thần lục hòa Tăng lữ làm phương tiện hoằng dương Chánh Pháp, cùng các Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại các Châu khác chung hòa theo đường hướng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại quê nhà, trong sứ mạng kế thừa đạo nghiệp để báo đáp hồng ân chư Phật, giữ gìn mạng mạch Phật Pháp để truyền lưu nơi thế gian, lãnh trách nhiệm “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, muốn cho Chánh pháp trường tồn thì phải lấy giới làm Thầy. Ba đời chư Phật đều nương vào giới luật mà tu tập cho đến khi thành tựu đạo quả. Nghiêm trì, tuân thủ các giới cấm, con người sẽ ‘sanh phùng trung quốc’, sanh ra với tướng mạo, nết hạnh đoan chánh, thừa tự gia tài Chánh pháp để lại, có cuộc sống Tịnh độ an nhàn ngay tại trần gian. 


IV. Kết luận

Nhân Đại lễ kỷ niệm Đức Phật Đản sinh năm nay, Phật lịch 2563, và Đại Hội Khoáng Đại kỳ VI Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại UĐL-TTL, Tăng Ni chúng ta cần trầm tư về đại nguyện và tinh thần “đi vào đời” của Đức Từ Phụ Bổn Sư, noi gương dấn thân vì đạo của chư vị lịch đại Tổ sư, để từ đó nỗ lực tu học, ứng dụng mô phạm vào đời sống của từng cá nhân tu sĩ, cộng đồng, trong các vai trò xã hội mà chúng ta tham dự. Trầm tư để có nhận thức đúng, có chính kiến như thật. Đó là chất liệu của tư duy, lời nói và hành động có Phật chất; được như thế thì những đóng góp của chúng ta vào cuộc đời mới phần nào xứng đáng với danh xưng, niềm tự hào là người con Phật.

Với đại nguyện và tinh thần “đi vào đời” của Đức Thế Tôn, chúng ta có những hành xử đúng, có Chính nghiệp, Chính mệnh, có những suy nghĩ, lời nói và hành vi không gây tổn hại cho người khác, cho môi trường sinh thái; đồng thời còn xây dựng vì sự tiến bộ, ổn định, an lạc chung của cộng đồng, xứ sở, rộng hơn nữa là khu vực và thế giới.

Với chí nguyện phụng sự chánh pháp, Tăng Ni trẻ ngày nay nên nguyện suốt đời nương theo quí Tôn đức, cố gắng trau dồi trí tuệ và đạo hạnh để xứng đáng là đứa con trung thành của Giáo hội và là Trưởng Tử Như Lai, để khỏi hổ với hai chữ Thích Tử và đền đáp phần nào trong muôn một ân đức Thầy Tổ, quí vị tiền bối, cùng thâm ân giáo dưỡng của Chư Tôn Đức.

Trong kinh A Hàm có nói về mục đích đản sinh của Đức Phật Thích Ca: ‘Một chúng sinh duy nhất, một con người phi thường đã xuất hiện trên thế gian này, vì lợi ích cho số đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc cho muôn loài.’ Phụng sự, đó là sự sống của Phật giáo. Một câu trong Kinh Hoa Nghiêm cô đọng tư tưởng này: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Đây chính là thông điệp mà đức Bổn Sư muốn truyền lại cho Tăng Ni chúng ta. Phật dạy:“Chư Tăng tắm mình trong Chánh pháp, thực hành Chánh pháp, suy nghĩ công cuộc hoằng pháp lợi sanh, Chư Tăng ấy không bao giờ phí tổn cuộc đời”. Thế nên, Tăng Ni ngày nay cần xác định rõ mục đích, nhiệm vụ của mình về hoằng pháp, nhất là giới trẻ, để góp phần xây dựng Chánh Pháp của Đức Như Lai. Hãy sống và cống hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho tinh thần Đạo pháp. Đây là trách nhiệm và bổn phận chung của mỗi sứ giả Như Lai để báo ơn Phật trong muôn một.

Để kết luận bài nầy chúng tôi xin trích dẫn lời nói của Hòa Thượng Hoặc Am Thể trong Thiền Lâm Bảo Huấn (trang 494) dạy: “Đạo đức là gốc của tòng lâm, nếu người làm Trụ Trì mà không có đạo đức thì đem gì để giáo hóa, người làm Trụ Trì thiếu phần học vấn thì còn có thể học tập thêm nhưng nếu đạo đức không có thì chùa chiền (tòng lâm) sẽ bị mai một hoang phế”.

Trước yêu cầu mới, các hoạt động Phật sự, từ hoạt động hoằng pháp, giáo dục Tăng, Ni, hướng dẫn Phật tử, đến hoạt động nghi lễ, văn hóa, kinh tế, từ thiện xã hội, nghiên cứu Phật học, truyền thông, kiến trúc… đòi hỏi Tăng Ni trẻ ngày nay có đủ đạo hạnh, tri thức Phật học, kiến thức xã hội và tinh thần dấn thân phục vụ, ra sức gánh vác nhiệm vụ của Giáo hội, góp phần xây dựng Giáo hội, phát huy mạnh mẽ phương châm: “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”  để hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sinh.


[1]Mahàvagga – Đại Phẩm, Luật tạng, chương Trọng yếu, tụng phẩm thứ 2, đoạn 32. Xem bản dịch của Indacanda Nguyệt Thiên, http://www.budsas.org/uni/u-luat-daipham/dp-00.htm.

[2]41 chùa, Thiền viện thuộc GH PGVNTNHN tại UĐL - TTL  ở rải rác nhiều nơi: New South Wales có 18; Victoria có 13; Tiểu bang Nam Úc có 3, Lãnh thổ ACT có 1, Tiểu bang Tây Úc có 2; Tiểu bang Queensland có 2; Tân Tây Lan có 2

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
KẾT NỐI CÙNG PGUC